Đầu tiên nói về chất lượng thịt thì thịt heo rừng lai
màu hơi nhạt, không đỏ như thịt heo nhà, nhiều nạc nhưng mềm, ít mỡ, da dòn,
thịt thơm ngon rất đặc trưng, hàm lượng Cholesteron thấp, giá trị dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng
rất ưa chuộng nên bán được giá cao,…Nhờ nguồn thức ăn tự nhiên nên thịt heo
rừng được xem là loại thực phẩm sạch, thơm ngon và bổ dưỡng. Mặc dù, được đưa
vào thực đơn của các nhà hàng chưa lâu nhưng loại thịt đặc sản này đã nhanh
chóng được người tiêu dùng Việt Nam
ưa chuộng và còn xuất đi các thị trường trên thế giới. Để mô hình chăn nuôi heo
rừng lai đạt hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải chọn con giống tốt, đảm bảo
được điều kiện chuồng trại với nguồn thức ăn tự nhiên.
Giống heo rừng lai được lai giữa heo rừng đực với heo
nái địa phương để tạo ra thế hệ con lai có gen trội của cả bố và mẹ: sức đề
kháng cao, khả năng thích nghi tốt với môi trường sống tự nhiên, ít nhiễm bệnh,
tỷ lệ hao hụt rất thấp, …Heo rừng lai có ngoại hình cân đối, nhanh nhẹn, di
chuyển linh hoạt, hơi gầy, dài đòn, lưng thẳng, bụng thon, chân dài và nhỏ, cổ
dài, đầu nhỏ, mõm dài và nhọn, tai nhỏ vểnh và thính, răng nanh phát triển
mạnh, da, lông màu hung đen hay xám đen, một gốc chân lông có 3 ngọn, lông dọc
theo sống lưng và cổ dày, dài và cứng hơn, ánh mắt lấm lét trông rất hoang dã.
Chuồng trại nuôi heo rừng lai rất đơn giản, tuy nhiên,
phải nắm vững một số đặc điểm và tập tính của heo rừng lai để bố trí chuồng
trại phù hợp. Nên chọn chỗ đất cao và thoát nước tốt để nuôi. Chỗ nuôi nên có
nguồn nước sạch, không những cung cấp đủ nước cho heo uống mà quan trọng hơn là
nó sẽ duy trì được hệ thực vật phong phú và giữ được độ ẩm thích hợp cho heo.
Chuồng trại càng cách xa khu dân cư và đường sá càng tốt. Bản năng hoang dã đã
đưa chúng vào tình trạng hết sức cảnh giác và luôn hoảng hốt bỏ chạy khi nghe
có tiếng động. Nếu có điều kiện, nên nuôi heo rừng lai
theo kiểu thả rông trong những khu vườn có cây xanh và rào chắn xung quanh. Hệ
thống hàng rào phải chắc chắn, vây lưới B40 nhưng móng phải xây kiên cố, vì heo
rừng có thói quen đào hang.
Tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn như thức ăn xanh (rau
củ, quả, lục bình, dây và củ khoai lang, chuối cây, thân cây bắp non, rau
muống, bèo tây, các loại cỏ, các loại rễ cây,...), thức
ăn tinh (cám gạo, hạt ngũ cốc, bột sắn, bắp lai) và muối khoáng (tro bếp, đất
sét, hỗn hợp đá liếm). Khẩu phần thức ăn cho heo rừng lai thông thường: 70% thức
ăn xanh, 30% thức ăn tinh. Mỗi ngày cho ăn 2 lần (sáng, chiều), một con heo rừng
lai trưởng thành tiêu thụ hết khoảng 2-3 kg thức ăn các loại và khoảng 20-25g
muối khoáng.
Nhìn chung, mô hình nuôi heo rừng lai cho hiệu
quả kinh tế cao do ít tốn chi phí đầu tư, thu nhập cao hơn gấp 2-3
lần so với nuôi heo nhà, nhờ giá bán cao và ít hao hụt. Vì vậy, mô hình nuôi
heo rừng lai đang được nhiều nhà chăn nuôi quan tâm và ngày càng phát triển.