Sản xuất lúa vụ Thu Đông thường xảy ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ, nguyên nhân là do khâu làm đất, chuẩn bị đồng ruộng chủ yếu là xới, trục vùi gốc rạ, thời gian gieo sạ gấp rút không kịp để rơm rạ phân hủy hết tàn dư. Khi cây lúa bị ngộ độc hữu cơ sẽ sinh trưởng và phát triển kém, năng suất thấp, thậm chí cây lụi đi và không cho thu hoạch nếu bị nặng hoặc không được khắc phục kịp thời và đúng cách. Vì vậy, để hạn chế ngộ độc hữu cơ bà con nông dân cần lưu ý các biện pháp như sau:
Chuẩn bị đồng ruộng:
Cải tạo mặt bằng đồng ruộng bằng phẳng. Lô ruộng phải có bờ vững chắc, đi lại dễ dàng thuận tiện cho việc quản lý nước tưới, chống nước lũ (nếu có). Trên từng lô ruộng phải có hệ thống mương thoát nước, thoát phèn xung quanh bờ sâu 30cm, rộng 30cm.
Làm đất:
Sau khi thu hoạch lúa xong nên cày, xới hoặc trục vùi gốc rạ, thời gian sau cày vùi trên 2 tuần. Nếu không có đủ thời gian cày vùi thì có thể tiến hành cắt gần sát gốc lúa để thu bớt thân lá ra khỏi ruộng. Hoặc có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh chuyên dùng như nấm Trichoderma spp phun lên gốc rạ sau khi thu hoạch để giúp tăng nhanh quá trình phân hủy hữu cơ trong rơm rạ dư thừa. Sau đó, phun thuốc Glyphosan 480DD để trừ lúa rài, lúa nền (khi lúa lúa rài, lúa nền lên khoảng 5-7cm). Khoảng 3 ngày sau (cây lúa nền đã chết) tiến hành xới đều toàn bộ diện tích đất, bơm nước vào (nếu không mưa), trục và chạc trước khi gieo sạ. Sau khi làm đất lần cuối phải đảm bảo đất thật nhuyễn, bằng phẳng, sạch cỏ dại, lúa rài.
Gieo sạ:
Nên gieo sạ theo lịch gieo sạ của địa phương, nếu có thể được nên gieo sạ 2 vụ lúa xen với 1 vụ màu để có đủ thời gian cho rơm, rạ kịp phân hủy thành chất hữu cơ dễ tiêu. Áp dụng phương pháp sạ hàng hoặc sạ lan với mật độ 120 kg lúa giống/ha. Trước khi gieo sạ 1-2 ngày nên bón lót 200-300 kg vôi CaCO3/ha để hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa.
Quản lý nước:
- Không nên giữ nước ngập liên tục trong ruộng lúa suốt cả vụ sẽ dễ bị ngộ độc hữu cơ. Giai đoạn lúa 30-35 ngày (tùy theo TGST của từng giống lúa) thì rút cạn nước trong ruộng (khi ruộng có vết nứt chân chim) để hạn chế chồi vô hiệu, giảm ngộ độc hữu cơ, rễ lúa ăn sâu hơn, hạn chế đổ ngã trong giai đoạn trổ - chín.
- Tùy giai đoạn sinh trưởng, nhất là giai đoạn bắt đầu gieo sạ và đẻ nhánh cần thay nước, có thể lợi dụng những cơn mưa lớn để loại bỏ những độc chất trong ruộng phát sinh trong quá trình phân hủy chất hữu cơ.
Bón phân:
- Nên bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali. Lượng phân khi bón cho lúa còn tùy vào các điều kiện như: đất đai, giống, giai đoạn sinh trưởng, tình hình sâu bệnh, thời tiết, đặc biệt là vụ lúa Thu Đông để quyết định lượng phân cho phù hợp. Khi bón phân đạm cần phải hạn chế việc bón dư thừa và lưu ý không bón khi cây lúa đang bị bệnh, ngộ độc hữu cơ.
- Công thức phân khuyến cáo có thể áp dụng là: 80-90 N + 40-60 P2O5 + 30-40 K2O + 200-300 kg vôi CaCO3/ha.
- Nên bón lót 200-300 kg vôi CaCO3/ha trước khi gieo sạ 1-2 ngày để hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa.
Xử lý ngộ độc hữu cơ:
Hiện tượng ngộ độc hữu cơ thường xuất hiện trong giai đoạn từ 15-30 ngày sau khi sạ hoặc có nơi xảy ra rất sớm khi cây lúa mới được vài ngày tuổi. Khi cây lúa bị ngộ độc hữu cơ có triệu chứng: bụi lúa kém nảy chồi, không phát triển chiều cao, trên lá lúa bệnh có thể có nhiều bệnh đốm nâu nhỏ, khi bệnh nặng lá bị cháy khô từ chóp vào, bụi lúa lùn chết dần. Triệu chứng đặc trưng là rễ bị đen và thối. Để xử lý ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ thì bà con cần thực hiện những biện pháp sau:
- Phải đào mương thoát phèn, thoát nước xung quanh bờ ruộng.
- Tháo cạn nước trong ruộng ra, đặc biệt là những nơi đất trũng để cho ruộng khô nứt chân chim, cho đất thông thoáng nhã bớt chất độc, bón 200 kg vôi CaCO3 /ha.
- Có thể phun phân bón lá có hàm lượng lân cao để bộ rễ hồi phục nhanh hơn.
- Nếu trường hợp có xuất hiện đốm nâu trên lá thì phun thuốc Tilt Super (liều lượng 15ml/bình 16 lít – 2 bình/1000m2).
Lưu ý:
- Trường hợp ruộng lúa đang bị ngộ độc hữu cơ và cũng đang bị rầy nâu tấn công với mật số lớn thì nên ưu tiên giữ đủ mức nước để phòng chống rầy tốt hơn trong thời gian phun thuốc dập dịch, sau đó mới tháo nước xử lý ngộ độc hữu cơ như hướng dẫn trên.
- Trong thời gian này cần ngưng ngay bón đạm (urê). Sau 3 ngày kiểm tra lại rễ lúa, nếu thấy đâm rễ mới có màu trắng là đã cứu lúa thành công thì có thể bón phân chăm sóc như bình thường.