Chuẩn bị giống
Nông dân nên sử dụng các giống lúa có khả năng chống chịu phèn khá, có thời gian sinh trưởng từ 85-100 ngày như: GKG1, GKG9, OM 2517, OM 6976, OM 5451, OM 7347 và OM 5954.
Thiết kế đồng ruộng và thủy lợi nội đồng
- Thiết kế đồng ruộng: Cần xây dựng hệ thống bờ bao, kinh mương cấp nước và thoát nước tốt để khi ruộng nhiễm phèn có thể xả nước dễ dàng và thay nước mới khi cần. Đối với những lô ruộng nhỏ cần liên kết làm bờ bao như tổ sản xuất hay hợp tác xã.
- Thủy lợi nội đồng: Trên mỗi mảnh ruộng cần đào mương xung quanh ruộng để chủ động tưới tiêu, mỗi khi ruộng bị nhiễm phèn có thể xả nước một cách dễ dàng. Mương thoát phèn và thoát nước xung quanh bờ rộng 30 cm và sâu 30 cm. Đối với những ruộng lớn cần đào thêm mương giữa ruộng hình chữ thập rộng 30cm sâu 30cm, chú ý mương phải nối với nhau thành hệ thống và nối được với kinh trục (hệ thống kinh cấp và thoát nước) rút cạn được nước những nơi đất trũng, tránh phèn tập trung gây bất lợi.
Làm đất
Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh chuyên dùng phun lên gốc rạ, để giúp tăng nhanh quá trình phân hủy hữu cơ trong rơm rạ dư thừa, tránh được triệt để tình trạng ngộ độc axít hữu cơ đầu vụ. Sau đó tiến hành cày toàn bộ diện tích đất và phơi đất, thời gian phơi đất ít nhất 3 tuần trở lên. Trong quá trình phơi có thể kết hợp với trang mặt ruộng. Đối với đất phèn nhẹ đến trung bình thì có thể cày sâu khoảng 20 – 25cm, đất phèn nặng thì cày trên tầng đất mặt, không được cày sâu vì nếu cày sâu thì vô tình sẽ lật cả tầng phèn lên trên. Tận dụng những cơn mưa lớn để rửa phèn, đảm bảo ruộng phải được rửa phèn trước khi gieo sạ ít nhất 2-3 lần. Sau khi phơi ải xong thì đưa nước vào ruộng, mực nước 1-2cm (có thể tận dụng nước mưa) nhử cho những cây lúa nền lên (khoảng 5-7 ngày) khi lúa rài, lúa nền lên được 3 lá mầm cao >5cm thì sử dụng thuốc Carphosate 480SC để phòng trị. Xới đất, sau đó tiến hành bơm nước vào trục, chạc. Trước khi gieo sạ đảm bảo đất thật nhuyễn, bằng phẳng và sạch cỏ.
Gieo sạ
Vùng đất phèn nặng: có thể áp dụng phương pháp sạ ngầm, trước khi gieo sạ 1-2 ngày cần bón lót 200-300kg vôi bột hoặc 200kg phân lân nung chảy (lân Ninh Bình hoặc Văn Điển) để cải tạo đất, mực nước lúc sạ phổ biến nhất từ 15 – 20cm. Trong quá trình ngâm ủ, không để giống ra mầm và ra rễ quá dài (sạ xuống dễ bị nổi), nên bón urê để thúc mầm từ 1-3 ngày sau sạ: 20-50 kg/ha (tùy độ đục của nước).
Đối với vùng đất phèn nhẹ: có thể áp dụng phương pháp sạ gác. Trước khi gieo sạ 1-2 ngày cần bón lót vôi bột và phân lân, lượng phân có thể giảm xuống đến khoảng ½ lượng phân bón trên đất phèn nặng, hoặc có thể bón 30-50kg/ha DAP. Bơm nước hay tận dụng những cơn mưa đầu mùa rửa phèn trong ruộng ít nhất 2-3 lần trước khi gieo sạ để hạn chế sau khi gieo sạ bị ngộ độc phèn làm chết lúa. Tháo cạn nước trước khi gieo sạ.
Quản lý nước
- Đối với sạ ngầm: cần thay nước mới trước khi gieo sạ, giữ mực nước trong ruộng 15-20cm để gieo sạ (lưu ý phải ngập gò), khi lúa được 3-5 ngày rút nước từ từ để cây lúa nhô đầu lá lên đến 3-5 cm là dừng lại và giữ mực nước này đến khi cây lúa được 30 ngày tuổi. Nếu giai đoạn này lúa bị ngộ độc phèn cần thay nước rửa phèn và bơm nước ngọt vào ruộng.
- Đối với sạ gác: Cần tháo nước trước khi gieo sạ, 3 NSKS cho nước láng mặt ruộng để đảm bảo giữ đủ ẩm bề mặt ruộng để xử lý thuộc cỏ đạt hiệu quả. Giai đoạn 5-7 ngày, cho nước từ từ vào ruộng và giữ nước trên mặt ruộng ở mức 3-5cm cho đến khi lúa được 30 ngày tuổi. Trường hợp lúa bị ngộ độc phèn cần thay nước 2-3 lần.
Giai đoạn khi lúa 35-38 NSKS (bắt đầu chuyển sang màu vàng chanh) đối với lúa 90-95 ngày, rút cạn nước nhằm cho đất thông thoáng, cây lúa cứng cáp và hạn chế sâu bệnh gây hại (Chú ý không để ruộng quá khô, chỉ để ruộng ẩm là đưa nước vào ruộng. Khi rút nước chú ý những nơi lung trũng phải được tháo cạn nước, tránh nước đọng những nơi này gây ngộ độc phèn). Sau đó giữ mực nước trong ruộng từ 5-7cm.
Lưu ý: Đối với vùng đất phèn nặng, trước thu hoạch 5-7 ngày (lúa trên bông chín trên 80%) mới bắt đầu rút nước, không nên tháo nước trong ruộng sớm sẽ gây ra hiện tượng xì phèn làm lúa lép lửng.
Bón phân
Đối với vùng phèn nặng: 1-2 ngày trước khi gieo sạ cần bón lót 200-300kg vôi bột hoặc 200kg phân lân (lân Ninh Bình hoặc Văn Điển) để cải tạo đất, lượng phân bón cho 1 ha: 130-150kg Urê + 60-80kg DAP + 80kg NPK (20-20-15) + 60-80kg KCl + 300kg lân Văn Điển.
Đối với vùng phèn nhẹ: lượng phân bón cần cho 1 ha: 125-135kg Urê + 90-100kg DAP + 50kg NPK (20-20-15) + 80-90kg KCl.
Trong quá trình sinh trưởng cây lúa, nếu bộ rễ bị nâu đen, tiến hành phun phân bón lá có hàm lượng lân cao (K-Humate). Thay nước trong ruộng để phục hồi rễ (rễ có màu trắng mới tiến hành bón phân).
Xử lý ngộ độc phèn
Hiện tượng này xảy ra ở các giai đoạn sinh trưởng, đặc biệt giai đoạn đẻ nhánh. Giai đoạn này khi lúa bị ngộ độc phèn có triệu chứng xuất hiện những chấm nhỏ màu nâu xuất hiện từ chóp lá và xuống cả lá già. Nếu nhiễm phèn nặng lá trở nên màu nâu tím, vàng hoặc vàng cam sau đó bị rụi. Cây lúa kém phát triển, có rất ít chồi, quan sát rễ có màu nâu, vàng, khô, cứng và quăn queo, không có rễ mới. Để xử lý ruộng lúa bị ngộ độc phèn cần thực hiện những biện pháp như sau:
+ Xung quanh bờ ruộng phải đào mương thoát phèn, tránh phèn từ trên bờ theo nước mưa đi xuống ruộng.
+ Phải bố trí mương thoát phèn trong từng lô ruộng để chủ động tháo nước khi cần thiết, chú ý mương phải rút cạn được nước những nơi đất trũng, tránh phèn tập trung gây bất lợi.
+ Thay nước mới để xả phèn trong ruộng cần lưu ý đưa nước lên ngập những chỗ bị gò. Có thể bón vôi bột CaCO3 trước lúc bón phân lân 1-2 ngày sẽ tăng hiệu quả phân.
+ Phun phân bón lá có hàm lượng lân cao để giúp cho cây hạ độc phèn nhanh.
+ Sau 3-7 ngày kiểm tra thấy rễ trắng tiếp tục bón phân để cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa.
Lưu ý : Khi cây lúa bị ngộ độc phèn, ngưng ngay bón đạm (urê), nếu bón vào làm lúa chết nhanh.