Để sản xuất lúa vụ Hè Thu và Thu Đông 2014 đạt được hiệu quả cao, bên cạnh việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chủ động phòng tránh các loại dịch hại lúa, khâu lựa chọn giống lúa cho phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng cũng góp phần nâng cao năng suất, sản lượng. Qua kết quả khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất tại các huyện và Hội thảo đánh giá giống vụ ĐX 2013-2014 tại các trại giống lúa cho thấy một số giống được nông dân các huyện bình chọn rất cao là GKG8, GKG9, OM9577, OM9921, OM5451, …. Các giống này cho tiềm năng năng suất rất cao trên cả hai vụ. Để sản xuất lúa đạt hiệu quả, sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số giống lúa và biện pháp kỹ thuật trong sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông 2014. Để dễ dàng lựa chọn giống phù hợp cho sản xuất tại địa phương chia làm 2 nhóm thời gian sinh trưởng cụ thể:
a. Nhóm giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 85 ngày đến dưới 95 ngày bao gồm:
* Giống GKG1
+ Nguồn gốc: chọn từ biến dị sôma của giống OM 2517, do Trung tâm Giống NLNN Kiên Giang chọn tạo.
+ Đặc tính giống: Giống GKG1 có thời gian sinh trưởng (TGST) rất ngắn 85-90 ngày, chống chịu khá đối với rầy nây, đạo ôn, năng suất cao (vụ Đông Xuân 7-8 tấn/ha, Hè thu và Thu đông 5-7 tấn/ha), chống chịu phèn, mặn khá, rất thích hợp cho vùng sản xuất lúa tôm, lúa ba vụ, cứng cây, ít đỗ ngã, hạt gạo dài, trong đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
+ Một số lưu ý trong canh tác: Do giống GKG1 có TGST rất ngắn, ngắn hơn các giống lúa khác nên cần chú ý trong bón phân, chăm sóc sớm hơn các giống khác. Nhằm canh tác giống lúa GKG1 đạt kết quả cao, ngoài việc áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, cần bón phân cân đối và bón sớm trong các lần bón phân cụ thể thời gian bón 3 lần phân cơ bản như sau: bón phân lần 1: ở thời gian 5-7 ngày sau khi sạ, lần 2: ở thời gian 16-18 ngày sau khi sạ, lần 3 (khi lúa có tim đèn): ở thời gian 35-38 ngày sau khi sạ.
* Giống OM5451
+ Nguồn gốc: được chọn từ tổ hợp lai Jasmine 85/OM2490, do Viện lúa ĐBSCL chọn tạo.
+ Đặc tính giống: Giống OM5451 có TGST 90-95 ngày, chống chịu khá đối với rầy nâu, đạo ôn, đẻ nhánh mạnh, năng suất cao (vụ Đông Xuân 7-9 tấn/ha, Hè thu 6-7 tấn/ha), kiểu hình đẹp, bông to chùm, chịu phèn, mặn khá, cứng cây, thích nghi rộng, hạt dài, trong, thơm nhẹ, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
+ Một số lưu ý trong canh tác: Khi canh tác giống OM5451 chú ý phòng trừ hiện tượng trắng lá, ngộ độc hữu cơ ở giai đoạn 10-15 ngày. Để khắc phục tình trạng lúa bị ngộ độc hữu cơ, hiện tượng trắng lá bà con nên thay đổi nước trên ruộng bằng cách tháo nước ra khỏi ruộng, cho nước mới vào, tiến hành rải vôi bột (khoảng 3-5 kg/công), khoảng 03 ngày sau kiểm tra thấy rễ trắng thì mới bón phân cho lúa, có thể phun thêm phân bón lá có chứa lân để bộ rễ phục hồi nhanh hơn.
* Giống GKG8:
+ Nguồn gốc: tổ hợp lai OM5472/Lúa Dài Thái Lan do Trung tâm Giống NLNN Kiên Giang chọn tạo.
+ Đặc tính giống: Giống có TGST 90-95 ngày, chống chịu rầy nâu và đạo ôn, đẻ nhánh khá, chịu phèn, dạng hình đẹp, cứng cây, năng suất cao (vụ Đông Xuân 7-9 tấn/ha, Hè thu và Thu đông 5- 7 tấn/ha) hạt gạo dài, trong, mềm cơm, gạo dài >7 mm, ít bạc bụng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
+ Một số lưu ý trong canh tác: Giống GKG8 chống chịu sâu bệnh tương đối khá. Do vậy để đạt năng suất tối đa khi canh tác lưu ý thăm đồng thường xuyên, áp dụng biện pháp thâm canh tổng hợp, bón phân cân đối, phòng trừ dịch hại tổng hợp bằng phương pháp IPM nhằm hạn chế hiện tượng lép vàng giai đoạn trổ.
* Giống GKG9:
+ Nguồn gốc: tổ hợp lai OM5472/Lúa Dài Thái Lan do Trung tâm Giống NLNN Kiên Giang chọn tạo.
+ Đặc tính giống: Giống có TGST 90-95 ngày, hơi kháng rầy nâu và đạo ôn, chịu phèn, mặn khá, năng suất cao (vụ Đông xuân 7-9 tấn/ha; Hè thu và Thu đông 6-7 tấn/ha), hạt gạo dài, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, dạng hình đẹp, gọn, đẻ nhánh mạnh, bông chùm, rất nhiều bông con.
+ Một số lưu ý trong canh tác: Giống GKG9 bị hơi nhiễm bệnh đạo ôn, do đó trong canh tác nên lưu ý bón phân cân đối, phòng trừ dịch hại tổng hợp, thăm đồng thường xuyên, nhất là những giai đoạn sau các đợt bón phân. Nếu phát hiện vết bệnh đạo ôn đạt ngưỡng phòng trừ cần phun thuốc phòng ngừa bệnh đạo ôn.
b. Nhóm giống lúa có thời gian sinh trưởng từ trên 95 ngày đến 100 ngày bao gồm:
* Giống OM6976:
+ Nguồn gốc: được chọn từ tổ hợp lai IR 68144/OM997/OM2718 do Viện lúa ĐBSCL chọn tạo.
+ Đặc tính giống: Giống OM6976 có TGST 95-100 ngày, chống chịu rầy nâu, đạo ôn, chống chịu phèn, mặn khá; đẻ nhánh mạnh, bông to chùm, thích nghi rộng, năng suất cao (vụ ĐX 7-9 tấn/ha; hè thu 6-7 tấn/ha), hạt gạo dài trung bình, ít bạc bụng; đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
+ Một số lưu ý trong canh tác: Khi canh tác giống OM6976 cần chú ý: vào giai đoạn đòng-trổ dễ bị đạo ôn cổ bông, bệnh than vàng. Vì vậy cần thăm đồng thường xuyên, phun thuốc phòng ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, than vàng vào giai đoạn trước trổ và sau trổ, bón phân cân đối, hợp lý, tránh bón dư thừa phân vào giai đoạn cuối.
* Giống OM9577:
+ Nguồn gốc: được chọn từ tổ hợp lai OM 6976/OM 5472 do Viện lúa ĐBSCL chọn tạo.
+ Đặc tính giống: Giống OM9577 có TGST 95-100 ngày, chống chịu rầy nâu, đạo ôn, đẻ nhánh khá, chịu phèn khá, bông đùm, thích nghi rộng, năng suất cao (vụ đông xuân 7-9 tấn/ha, hè thu 6-7 tấn/ha), gạo dài, trong, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
+ Một số lưu ý trong canh tác: Tương tự giống OM6976, khi canh tác giống OM9577 cần lưu ý nên phòng ngừa đạo ôn cổ bông, bệnh than vàng vào giai đoạn đòng-trổ. Bên cạnh đó cần thăm đồng thường xuyên, áp dụng biện pháp canh tác tổng hợp, phòng trừ dịch hại tổng hợp bằng phương pháp IPM, bón phân cân đối, hợp lý, tránh bón dư thừa phân vào giai đoạn cuối.
* Giống OM7347:
+ Nguồn gốc: được chọn từ tổ hợp lai Khaodaw Mali/BL//BL do Viện lúa ĐBSCL chọn tạo.
+ Đặc tính giống: Giống này có TGST 95-100 ngày, hơi nhiễm rầy nâu, hơi kháng bệnh đạo ôn, hơi nhiễm bệnh vi khuẩn, dạng hình đẹp, chịu phèn mặn khá, bông to chùm, đẻ nhánh mạnh, thích nghi rộng, năng suất cao (đông xuân 7-9 tấn/ha, hè thu 6-7 tấn/ha). Hạt gạo dài, trong, ngon cơm, thơm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
+ Một số lưu ý trong canh tác: Ngoài việc phòng trừ rầy nâu ngay từ đầu vụ, khi canh tác cần chú ý thêm phòng trừ bệnh do vi khuẩn vào giai đoạn làm đòng-trổ. Nếu đã phát hiện bệnh do vi khuẩn trên ruộng cần phun thuốc đặc trị ngay, tránh lây lan thành dịch, gây thất thu năng suất.
* Giống OM5954:
+ Nguồn gốc: được chọn từ tổ hợp lai của OM1644/OM1490 (sử dụng marker) do Viện lúa ĐBSCL chọn tạo.
+ Đặc tính giống: Giống có TGST 95-100 ngày, hơi kháng rầy nâu, hơi nhiễm đạo ôn, cho năng suất khá cao (vụ đông xuân 7-9 tấn/ha, hè thu 6-7 tấn/ha) hạt gạo dài, trong, thơm đậm và ngon cơm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đẻ nhánh mạnh, bông chùm, thích nghi rộng.
+ Một số lưu ý trong canh tác: Do giống OM5954 có đặc tính hơi nhiễm đạo ôn nên khi canh tác cần chú ý thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời khi bệnh mới phát sinh đặc biệt khi thời tiết âm u, có mưa phùn, áp dụng biện pháp canh tác tổng hợp, bón phân cân đối, hợp lý, không nên bón nhiều phân đạm, khi ruộng xuất hiện bệnh thì ngừng ngay bón thúc đạm và phải giữ đủ nước trong ruộng. Phun thuốc đặc trị để tránh dịch bệnh lây lan.
* Giống OM4900:
+ Nguồn gốc: được chọn tạo từ tổ hợp lai C53/Jasmine 85 (marker RG28) do Viện lúa ĐBSCl chọn tạo
+ Đặc tính giống: Giống có TGST 95-100 ngày, hơi kháng rầy nâu, hơi nhiễm đạo ôn, dạng hình đẹp, bông to chùm, đẻ nhánh mạnh, cứng cây, năng suất cao (vụ đông xuân 7-9 tấn/ha, hè thu 6-7 tấn/ha). Hạt gạo dài, trong, thơm, dẻo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
+ Một số lưu ý trong canh tác: Giống OM4900 có đặc tính hơi nhiễm đạo ôn khi canh tác cần chú ý phòng trừ bệnh đạo ôn ngay từ đầu vụ, bón phân cân đối, hợp lý, không nên bón nhiều phân đạm, khi ruộng xuất hiện bệnh thì ngừng ngay bón thúc đạm và phải giữ đủ nước trong ruộng. Phun thuốc đặc trị để tránh dịch bệnh lây lan.
* Giống OM9921:
+ Nguồn gốc: được chọn từ tổ hợp lai OM2517/Rồng Xanh//LD Thái Lan do Viện lúa ĐBSCL và Trung tâm Giống NLNN Kiên Giang cùng chọn tạo.
+ Đặc tính giống: Giống có TGST 95-100 ngày, chống chịu rầy nâu, chịu phèn mặn khá, thích nghi rộng, dạng hình đẹp, đẻ nhánh khá, bông chùm, năng suất khá cao (vụ đông xuân 7-9 tấn/ha, hè thu 5-7 tấn/ha) hạt gạo dài, thơm, cơm dẻo, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
+ Một số lưu ý trong canh tác: Khi canh tác giống OM9921 cần chú ý thăm đồng thường xuyên, áp dụng biện pháp canh tác tổng hợp, bón phân cân đối, hợp lý, không nên bón nhiều phân đạm, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM.
* Giống Jasmine85:
+ Nguồn gốc: được chọn từ tổ hợp lai Pata/ TN 1// Khao dawk Mali của Viện nghiên cứu lúa quốc tế được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Nghiệp Miền Nam chọn lọc làm thuần giống.
+ Đặc tính giống: Giống có TGST 95-100 ngày, nhiễm rầy nâu, đạo ôn, cháy bìa lá, lúa von, năng suất vụ đông xuân 6-7 tấn/ha, hè thu 4-5 tấn/ha. Hạt gạo dài, trong suốt, cơm mềm, dẻo, có mùi thơm đặc trưng;
+ Lưu ý trong sản xuất: Giống Jasmine 85 nhiễm nặng cả rầy nâu và bệnh đạo ôn, bên cạnh đó nhiễm bệnh cháy bìa lá, lúa von do vậy không nên bố trí cơ cấu quá lớn trong sản xuất nhất là vụ hè thu, xử lý hạt giống trước khi gieo, kết hợp sử dụng giống xác nhận, áp dụng biện pháp thâm canh tổng hợp, bón phân cân đối, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, thăm đồng thường xuyên khi thấy rầy nâu hoặc vết bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá đạt ngưỡng phòng trừ thì tiến hành phun thuốc đặc trị..
Trên đây là đặc tính một số giống lúa sản xuất trong vụ Hè Thu và Thu Đông 2014 để bà con nông dân tham khảo, tùy theo từng vùng mà lựa chọn giống phù hợp với điều kiện đất đai tại gia đình. Chúc bà con có một vụ sản xuất được mùa, bội thu !