Vụ Hè Thu 2020, tỉnh Kiên Giang đã gieo sạ với diện tích 283.284 ha, đến nay
(5/10/2020) đã thu hoạch diện tích 254.045 ha, đạt 89,77% diện tích gieo trồng, năng suất bình
quân cả vụ ước đạt 5,65 tấn/ha, sản lượng lúa cả vụ ước đạt 1.601.608 tấn; Vụ Thu Đông 2020, diện tích gieo sạ 90.123 ha, diện
tích đã thu hoạch 56.740 ha, năng suất bình quân cả vụ ước đạt 5,60 tấn/ha, sản
lượng cả vụ ước đạt 495.676 tấn. Trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay,
mặn xâm nhập sớm và sâu vào các cửa sông làm cho lịch xuống giống lúa Hè Thu
của tỉnh kéo dài, diện tích gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo chiếm 47,80% trong vụ
Hè Thu, mưa bão kéo dài cuối vụ làm cây lúa đỗ ngã, … đã gây ảnh hưởng đến sản
xuất lúa của tỉnh. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp vẫn giữ ở mức cao làm ảnh
hưởng đến hiệu quả sản xuất của nông dân.
Trước những khó khăn trong sản xuất vụ Hè Thu 2020, cùng với dự báo tình
hình đỉnh lũ năm 2020 trên sông Cửu
Long ở mức thấp, toàn vùng không có lũ, khả năng xâm nhập mặn ở ĐBSCL có thể
đến sớm và sâu vào đất liền hơn, có thể làm ảnh hưởng đến sản xuất vụ Mùa
và Đông Xuân 2020-2021, nhất là ở những vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang. Để
sản xuất vụ Mùa và Đông Xuân tới đạt hiệu quả tốt, một trong những biện pháp
cần thiết là phải bố trí cơ cấu giống phù hợp, đáp ứng với thực tế sản xuất. Cơ
cấu giống lúa gồm những giống lúa thích nghi cao cho từng vùng sinh thái, có
thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp, nhất là cho vùng quy hoạch sản xuất 3 vụ
lúa/năm, vùng gần biển có thể bị nhiễm mặn; chống chịu được các yếu tố bất lợi
của thời tiết như: phèn, mặn; cho năng suất cao; phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu
chuẩn xuất khẩu; chống chịu được với một số sâu bệnh chính như rầy nâu, bệnh
đạo ôn và phải cứng cây nhằm đưa cơ giới hóa vào thu hoạch.
* Kết quả điều tra cơ cấu giống lúa
trong sản xuất vụ Hè Thu 2020
Hiện nay, công tác nghiên cứu chọn tạo, chuyển giao và nhân lúa giống
trong tỉnh ngày càng được nâng cao. Song song đó, công tác hội thảo, thông tin,
tuyên truyền về giống lúa được đẩy mạnh nên đã giúp nông dân chuyển đổi dần
sang sử dụng hạt lúa giống cấp xác nhận và tương đương, gieo sạ với mật độ thưa
hơn, sử dụng các giống lúa có nhiều ưu điểm hơn như:, năng suất cao, chất lượng
gạo tốt, chống chịu sâu bệnh khá .... Chính vì vậy, những giống lúa có năng
suất cao, chất lượng gạo tốt đang chiếm ưu thế và ngày càng phát triển diện
tích lớn trong cơ cấu giống sản xuất của Tỉnh. Qua điều tra cơ cấu giống lúa
sản xuất trong vụ Hè Thu 2020 do Trung tâm Khuyến nông thực hiện tại các huyện,
cho thấy diện tích canh tác các giống lúa chất lượng cao trong vụ này chiếm tỷ
lệ: 91% diện tích canh tác toàn tỉnh (257.788 ha/283.284 ha). Trong khi đó, vụ
Thu Đông diện tích canh tác giống lúa chất lượng cao đạt 85% diện tích gieo
trồng (76.605 ha/90.123 ha).
Cơ cấu giống lúa canh tác trong vụ Hè Thu 2020 của tỉnh hiện nay có trên
25 giống lúa khác nhau. Trong đó, có 12 giống lúa chủ lực chiếm khoảng 95,38%
diện tích canh tác của tỉnh (mỗi giống có diện tích > 1.000 ha) gồm các
giống: OM5451 (69.325 ha); Đài Thơm 8 (60.682 ha); ĐS1 (53.694 ha); OM18
(36.101 ha); IR50404 (15.252 ha); ST24 (11.863 ha); Nếp (8.678 ha), OM4900
(7.462 ha); RVT (3.450 ha), OM6976 (1.436 ha), OM2517 (1.133 ha); OM7347 (1.028
ha). Kết quả điều tra cũng cho thấy, trong các vụ gần đây, nông dân sản xuất
lúa chú trọng đến việc sản xuất những giống lúa chất lượng cao, đáp ứng các
tiêu chí gạo xuất khẩu, diện tích sản xuất giống lúa IR50404 chiếm tỷ lệ khá
thấp, chỉ khoảng 5,39% (tương đương 15.252 ha). Một số giống lúa mới có triển
vọng, chất lượng gạo cao đang phát triển nhanh diện tích gieo trồng như: OM18,
ST24…
Cơ cấu giống lúa trong vụ Thu Đông 2020, qua điều tra cũng cho thấy,
các giống lúa chủ lực cũng là: OM5451 (tỷ lệ 46%), Đài Thơm 8 (18,22%), IR50404
(11,19%), OM18 (10,96%)…
Về diện tích sử dụng lúa giống cấp xác nhận trong sản xuất vụ Hè Thu 2020
qua điều tra cho thấy, diện tích nông dân sử dụng lúa giống cấp xác nhận và
tương đương khoảng 220.982 ha, đạt tỷ lệ 78,03% tổng diện tích gieo sạ.
Khuyến cáo cơ cấu giống lúa cho sản xuất vụ
Đông Xuân 2020-2021
Căn cứ vào cơ cấu giống lúa trong sản xuất của tỉnh trong các vụ sản
xuất vừa qua; tính chống chịu sâu bệnh của các giống trên đồng ruộng; dự báo
tình hình sâu bệnh và diễn biến thủy văn, thời tiết khí hậu trong vụ Đông Xuân
và nhu cầu thị trường gạo xuất khẩu trong thời gian tới, chúng tôi khuyến cáo
cơ cấu giống lúa cao sản cho sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 như sau:
*
Khuyến cáo bố trí cơ cấu theo chất lượng nhóm giống
- Nhóm giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gồm 3 phân
nhóm: (i) Phân nhóm giống gạo thơm:
Jasmine 85, Đài thơm 8, ST24, RVT… (ii) Phân nhóm giống hạt dài, năng suất
cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chống chịu sâu bệnh tốt, gồm: OM5451, OM4900, GKG1, OM2517, OM6976,
OM7347, OM18… (iii) Phân nhóm giống hạt tròn Japonica, hay còn gọi là lúa Nhật
và Nếp như: ĐS1, IR4625,... (nhóm này chỉ nên sản xuất khi có hợp đồng
tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp).
Diện tích sản xuất của 3 phân nhóm giống này khuyến cáo nên sản xuất khoảng
≥ 85% tổng diện tích toàn tỉnh. Đặc tính chung của các giống này là có TGST phù
hợp, cho năng suất khá cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có thị trường tiêu thụ,
thích nghi với từng vùng sinh thái trong tỉnh. Tùy theo điều kiện, vùng sản
xuất và hợp động tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp mà địa phương bố trí
diện tích sản xuất từng phân nhóm giống cho phù hợp.
- Nhóm giống có chất lượng trung bình, năng suất cao như: IR50404,... Nhóm giống này dễ sản xuất,
thích nghi rộng, chất lượng gạo trung bình, nên chỉ phát triển khoảng ≤ 15%
diện tích sản xuất.
* Khuyến cáo bố trí giống lúa theo điều kiện sinh thái:
Các giống lúa chủ lực thích nghi rộng, năng suất
cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gồm: OM5451,
Jasmine85, Đài Thơm 8, OM18, OM2517, OM4900, GKG1. Tùy theo điều kiện vùng
sinh thái và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, có thể sản xuất
bổ sung các giống: RVT, OM7347, OM6976, ĐS1,
giống Nếp (IR4625),…. Các giống lúa mới có triển vọng đưa vào sản xuất thử:
GKG5, GKG24, GKG35, OM380... Trên cơ
sở đó, khuyến cáo cơ cấu giống cho từng vùng sinh thái như sau:
- Vùng U Minh Thượng (gồm các huyện: An Biên,
An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng và một phần Gò Quao: xã Vĩnh Tuy và Thủy
Liễu)
+ Vùng sản xuất lúa có chủ động
nước ngọt, xuống giống được sớm: sản xuất 2 vụ lúa/ năm, cũng có thể chịu
ảnh hưởng phèn mặn, đề nghị cơ cấu gồm các giống lúa có thời gian sinh trưởng:
95 - 100 ngày: OM5451, OM6976, OM4900,
OM7347, OM5954, OM18… và một số giống theo hợp đồng tiêu thụ với doanh
nghiệp: RVT, ST24, Đài Thơm 8…; các
giống lúa triển vọng đưa vào sản xuất thử: GKG5,
GKG35,…
+ Vùng sản xuất lúa bị
ảnh hưởng mặn, không chủ động nước ngọt, nước mặn xâm nhập sớm: đề nghị sử dụng các
giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu phèn mặn tương đối khá
(chống chịu độ mặn ≤ 4 ‰), đang thích nghi với sản xuất của vùng như: OM5451, GKG1, GKG9, OM2517, OM18. Tùy điều
kiện sản xuất và hợp đồng tiêu thụ có thể sản xuất bổ sung một số giống khác: OM5954, OM7347, OM6976, OM4900, RVT, ST24,...
-
Vùng Tây sông Hậu (gồm các huyện: Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, TP Rạch
Giá, phần còn lại của huyện Gò Quao…)
+ Vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm hoặc canh
tác 2 vụ lúa – 1 vụ màu, vùng gần biển có đê bao không hoàn chỉnh, có thể bị
mặn xâm nhập sớm ở cuối vụ. Để đảm
bảo mùa vụ thuận lợi, chúng tối khuyến cáo sử dụng các giống lúa có thời gian
sinh trưởng ngắn (85 – 95 ngày) như:
OM5451, GKG1, OM2517, OM18 và có thể bố trí sản xuất thử giống triển vọng
như: OM380, GKG5, GKG35,...
+ Vùng sản xuất 2 vụ lúa/năm hoặc
vùng có đê bao đảm bảo ngăn mặn cuối vụ: ngoài các giống khuyến cáo như
trên (OM5451, GKG1, OM18, OM2517…),
có thể sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dài hơn, có phẩm chất gạo
tốt như: OM6976, OM4900, OM7347, ST24,
Đài thơm 8, Jasmine85…; các giống lúa mới sản xuất thử: khuyến cáo GKG5, GKG35, OM380.
- Vùng Tứ giác Long Xuyên (huyện Hòn Đất,
Giang Thành, Kiên Lương…):
+ Vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm hoặc
canh tác 2 vụ lúa – 1 vụ màu, vùng gần biển có đê bao không hoàn chỉnh, có thể
bị mặn xâm nhập sớm ở cuối vụ: đa số đất bị ảnh hưởng phèn, đề nghị sử dụng
các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn 85-95 ngày, chống chịu phèn khá: OM5451, GKG1, OM18, OM2517; các giống
lúa sản xuất thử: OM380, GKG5. GKG35
+ Vùng sản xuất 2 vụ lúa/năm,
vùng có đê bao bảo đảm ngăn mặn cuối vụ: tùy điều kiện sản xuất, ngoài các
giống khuyến cáo trên (OM5451, GKG1,
OM18, OM2517) nên sản xuất một số giống lúa có thời gian sinh trưởng dài
hơn, có năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như: OM4900, OM6976, Jasmine 85, Đài
thơm 8, ST24, nhóm hạt tròn, “lúa Nhật”
như: ĐS1, nhóm giống lúa nếp (như IR4625)… theo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của
các doanh nghiệp, nhưng cần lưu ý giống lúa ĐS1 có thời gian sinh trưởng
115-120 ngày nên để đảm bảo đủ nước cuối vụ, cần được xuống giống sớm trong
tháng 10 và tháng 11; các giống lúa mới sản xuất thử: GKG5, GKG24, GKG35,… Đây là những giống có thời gian sinh trưởng
phù hợp, cho năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu phèn mặn tốt.
Trên cơ sở khuyến cáo cơ cấu giống lúa cho từng vùng như trên, mỗi địa
phương (đơn vị xã, ấp hoặc hợp tác xã) có thể lựa chọn sản xuất 1 hoặc 2 giống
lúa chủ lực trên để đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu./.