Vụ Hè Thu 2013, Trung tâm Giống NLNN Kiên Giang đã triển khai thực hiện 1 bộ khảo nghiệm sản xuất trên 11 huyện, thành phố trong tỉnh, với 3 vùng sinh thái: Tây Sông Hậu, Tứ Giác Long Xuyên và U Minh Thượng, điểm được chọn thực hiện khảo nghiệm sản xuất có vị trí và diện tích sản xuất đại diện cho từng vùng sinh thái. Bộ giống khảo nghiệm bao gồm 7 giống: OM9577-1, OM9921, OM9915, OM9916, GKG4, GKG5 với giống OM2517 (đ/c), đây là những giống lúa mới có triển vọng: cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, phèn mặn khá,…Các giống khảo nghiệm được bố trí không lặp lại, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật khảo nghiệm sản xuất.
Kết quả khảo nghiệm cho thấy tất cả các giống có thời gian sinh trưởng (TGST) từ 90 đến 100 ngày, đây là nhóm giống có TGST tương đối phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh. Giống có TGST dài nhất OM9915, OM9916, GKG4 (100 ngày) và ngắn ngày nhất là giống OM2517 (đ/c) (90 ngày).
Các giống có số bông/m2 trung bình đạt từ 411,67 đến 434,52 bông/m2, giống có số bông/m2 cao nhất là giống GKG5 (434,52 bông/m2) và thấp nhất là giống OM2517 (411,67 bông/m2). Nhìn chung các giống đều đẻ nhánh mạnh, phát triển tốt, thích nghi rộng trên nhiều vùng đất.
Số hạt chắc/bông là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định đến năng suất của giống lúa. Kết quả cho thấy, các giống OM 9921, OM 9916, OM 9577-1, GKG5 có số hạt chắc/bông cao tương đương nhau (61,33 - 62,69 hạt) cao nhất là giống OM9577-1 (62,69 hạt), giống có số hạt chắc/bông thất nhất là giống OM2517 đối chứng (56,74 hạt).
Năng suất thực tế trung bình của các giống thực hiện trên 11 huyện (Thành phố) trong tỉnh vụ HT 2013 cho thấy: năng suất thực tế của các giống lúa mới có triển vọng đều cao hơn so với năng suất trung bình của giống đối chứng OM2517, giống có năng suất cao nhất là giống GKG5 (6,7 tấn/ha), kế đến là giống OM 9577-1 (6,64 tấn/ha), các giống còn lại cho năng suất trung bình dao động từ 6,22 đến 6,53 tấn/ha; trong khi đó, năng suất trung bình của giống đối chứng OM2517 chỉ đạt: 5,57 tấn/ha.
Vùng Tây Sông Hậu (Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, TP. Rạch Giá…) đây là vùng đất thuộc nhóm phù sa và đất phèn nhẹ. Các giống lúa khảo nghiệm cho năng suất từ 5,6-6,7 tấn/ha, giống có năng suất trung bình cao nhất: GKG5 (6,7 tấn/ha), kế đến là giống OM9577-1 (6,5 tấn/ha) và thấp nhất là giống OM2517 đối chứng (5,6 tấn/ha).
Vùng Tứ giác Long Xuyên (Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành) đây là vùng chịu ảnh hưởng của phèn hoặc phèn măn. Giống có năng suất trung bình cao nhất: GKG5 (6,7 tấn/ha), tiếp theo là giống OM9577-1 (6,6 tấn/ha); và thấp nhất là giống OM2517 đối chứng (5,4 tấn/ha).
Vùng U Minh Thượng, (An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng và các xã Vĩnh Tuy, Thủy Liễu thuộc huyện Gò Quao): vùng này chịu ảnh hưởng phèn mặn, mùa vụ tương đối nghiêm ngặt. Giống khảo nghiệm cho năng suất từ 5,7-6,8 tấn/ha, giống năng suất trung bình cao nhất: OM9577-1 (6,8 tấn/ha); kế đến là giống GKG5 (6,74 tấn/ha) và thấp nhất là giống OM2517 đối chứng (5,7 tấn/ha).
Kết quả cho thấy giống GKG5, OM9577-1, OM9921 thích nghi khá rộng, cho năng suất đứng đầu ở hầu hết tất cả các huyện. Các giống lúa này còn được nông dân đánh giá cao qua các buổi tham quan, hội thảo đầu bờ và đề nghị nhân giống rộng phục vụ cho sản xuất của tỉnh.
Trong vụ Đông Xuân 13-14 tới, Trung tâm Giống tiếp tục triển khai bộ khảo nghiệm sản xuất trên 11 điểm, với các giống: GKG12, GKG5, OM9577-1, OM9921, OM9918, OM10424 và giống đối chứng OM2517.