Cây bưởi là loại cây tương đối dễ trồng,
có nguồn gốc xuất xứ ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, cây phát triển tốt ở điều
kiện nhiêt độ từ 23 - 29oC, cây ngừng sinh trưởng khi nhiệt độ dưới
13oC và trên 420C, cây chết khi nhiệt độ dưới -5oC,
cường độ chiếu sáng thích hợp là 10.000 - 15.000 lux (tương đương nắng sáng vào
lúc 8 giờ và nắng chiều vào lúc 16 giờ) nên khi mới thành lập vườn cần trồng
cây che mát trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Cây bưởi cần nhiều nước trong
quá trình sinh trưởng và phát triển đặc biệt là giai đoạn cây ra hoa và kết
trái, lượng mưa cần khoảng 1000 - 2000 mm/năm, do đó trong mùa nắng cần phải
tưới thêm nước, ẩm độ thích hợp từ 70 - 80%, đất trồng bưởi phải có tầng canh
tác dày từ 0,6m trở lên, mực nước ngầm thấp nhất là 0,8m, đất phải tơi xốp và
thoáng nước tốt.
Tuy nhiên trong qúa trình chăm sóc trong
thời gian cây mang trái, đặc biệt là vào mùa mưa khi ẩm độ tăng cao, trái bưởi
bị một số bệnh gây hại chủ yếu như bệnh ghẻ do Nấm Elsinoc fawcetii gây ra và bệnh loét do Vi khuẩn gây ra. Bệnh loét là một bệnh
hại trên cành lá và trên trái làm giảm phẩm chất của trái và giảm năng suất rõ
rệt nhất.
Tác nhân gây bệnh: do Vi khuẩn Xanthomonas campestric pvcitri gây ra,
bệnh phát triển mạnh ở điều kiện ẩm độ 24 – 320C, ẩm độ trong vườn
cao, đặc biệt bệnh gây hại nặng nhất là vào mùa mưa (từ tháng 6 – 11), bệnh
phát thành dịch vào tháng 9 – 10, bệnh lây lan nhanh trong mùa mưa, kết hợp với
gió mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác, ngoài ra các vết thương trên trái
tạo điều kiện cho Vi khuẩn tấn công gây hại.
Triệu chứng: vết bệnh ban đầu là
những vết màu vàng sáng nhỏ như vết kim châm, sau đó bệnh phát triển tạo thành những
vết bệnh màu nâu nhạt 2 – 10 mm. chung quanh vết bệnh thường có các viền màu
vàng sáng, các vết bệnh liên kết lại với nhau tạo thành từng mảng lớn trên
trái, vết bệnh ăn sâu vào vỏ trái từ 1 – 3 mm, triệu chứng gây hại của bệnh dễ
dàng nhận biết khi bệnh gây hại được 7 ngày.
Biện pháp phòng trị: trồng cây với mật độ
vừa phải; có biện pháp cắt tỉa cành hợp lý để tạo được sự thông thoáng cho vườn
cây đặc biệt là trong mùa mưa; bón phân cân đối tránh bón thừa đạm, nên bón
nhiều phân hữu cơ và tăng cường thêm lượng kali khi vườn cây bị bệnh; xới gốc
và bón vôi để hạn chế mầm bệnh lưu tồn trong đất.
Khi bệnh xuất hiện hạn chế tưới nước lên
toàn tán của cây, chỉ tưới gốc và không nên tưới thừa nước; cắt bỏ và tiêu huỷ
các trái bị bệnh để tránh mầm bệnh lây lan;
sử dụng thuốc gốc đồng (Coc 85 …) phun ngừa định kỳ vào mùa mưa để tránh
bệnh loét gây hại, khi bệnh gây hại nặng trên vườn thì sử dụng thuốc Kasumin
2L, Starner 20 WP … để phun xịt.
Lưu ý: bệnh loét gây hại nặng trong mùa mưa, vì vậy
cần phải vệ sinh để vườn thông thoáng vào mùa mưa, phun thuốc định kỳ và thường
xuyên kiểm tra để phòng trị kịp thời.