Theo thống kê trong những năm gần đây tỉ lệ sử dụng giống xác nhận vẫn còn rất thấp (khoảng 20-30%), một mặt do nông dân chưa ý thức hết tầm quan trọng của giống, mặt khác các cơ sở, địa điểm cung ứng giống còn giới hạn về sản lượng, chủng loại thị trường cần. Qua chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tăng đầu tư vốn cho nông nghiệp nông thôn từ năm 2011-2015 tăng gấp 2 lần so với thời kỳ 2005-2010, trong đó giống CTVN là một trong những chương trình mục tiêu. Ngoài ra, giá lúa gạo đang ở mức cao, người dân đang mở rộng SX vụ 3 (thu đông), đã làm cho ngành SX và cung ứng giống có nhiều cơ hội mở rộng quy mô, tăng hiệu quả,… Trong hoàn cảnh và điều kiện như vậy, TTG sẽ cần nhìn lại kết quả SX năm 2011 để phát huy những mặt tích cực và khắc phục những tồn tại, tận dụng lợi thế để phát huy mọi tiềm năng sẵn có trong năm 2012.
Đánh giá những mặt tích cực trong năm 2011
- Công tác nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất và cung ứng giống lúa đã mang lại hiệu quả cao cho sản xuất, góp phần vào thắng lợi chung của ngành nông nghiệp, bổ sung được nhiều giống lúa mới phù hợp với nhu cầu thị trường, gia tăng giá trị lúa hàng hóa như: OM 6976, OM5451, OM5954, OM 4900, OM 6162, GKG1,OM 2517,…Ngoài ra, đơn vị đã triển khai thực hiện công tác chọn tạo giống lúa, kết quả đã tạo ra được 22 giống lúa mới mang thương hiệu GKG, hiện đang trồng khảo nghiệm năng suất sơ khởi tại các trại và các vùng sinh thái của tỉnh. Công tác sản xuất và cung ứng giống tăng cả về số lượng và chất lượng, sản lượng lúa giống XN từ mạng lưới nhân giống đáp ứng được gần 30 % nhu cầu giống cho sản xuất trên toàn tỉnh.
- Trong sản xuất, phát huy hiệu quả lợi thế và tiềm năng sẵn có của đơn vị. Cụ thể như kết hợp với mạng lưới nhân giống để thu mua và cung ứng giống XN, điều phối kịp thời cho các vùng, khắc phục hạn mặn, .... Bố trí sản xuất cây trồng thích hợp cho các trại trên các vùng sinh thái khác nhau như dừa dứa tại Trại Giống U Minh Thượng, Bình Giang. Mặt khác, TTG cũng nhanh nhạy chuyển diện tích trồng điều và khóm, xoài,... hiệu quả không cao chuyển sang sản xuất lúa giống.
- Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác sản xuất giống ngày càng được đầu tư hoàn thiện, trong năm đã đầu tư các chương trình, dự án tương đối đáp ứng được yêu cầu và phát huy tác dụng như: mở rộng hệ thống kho dự trữ và bảo quản lúa giống; xây dựng trạm bơm điện, gia cố bờ bao, nạo vét kênh mương thủy lợi, san ủi mặt bằng đồng ruộng ... tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm giống phục vụ nông dân trong tỉnh. Bên cạnh đó công tác nghiên cứu, điều tra thị trường và mở rộng hệ thống cung ứng đã mang lại hiệu quả thiết thực.
- Mục tiêu kế hoạch năm 2011 của đơn vị cơ bản đã hoàn thành, hiệu quả các chương trình SX và cung ứng trong năm 2011 nhìn chung toàn bộ đều đạt, khắc phục được tình trạng lỗ trong lĩnh vực giống vật nuôi, SX không hiệu quả trong các năm trước. Toàn thể cán bộ viên chức có ý thức được trách nhiệm và thực hiện tốt nguyên tắc làm theo lao động hưởng theo hiệu quả lao động mang lại, từ đó chuẩn bị kỹ điều kiện để khi SX là nắm chắc thành công trên 70 %. Tuy nhiên có một số chương trình chưa đạt hiệu quả cao vì SX chưa đúng thời vụ, chưa đúng thời điểm yêu cầu của nông dân.
Những tồn tại, khó khăn
Với cơ chế sự nghiệp có thu hiện nay, các Trung Tâm Giống tỉnh có nhiệm vụ khảo nghiệm, nhân giống NC và tổ chức mạng lưới nhân giống XN, tập huấn chọn giống, phục tráng giống,… để cung ứng cho nông dân SX. Trung Tâm Giống Kiên Giang hiện nay được giao nhiệm vụ quá rộng, không tập trung, gồm các lĩnh vực: Nông Lâm Ngư nghiệp,…nói chung là phải làm nhiều chủng loại giống cây trồng, vật nuôi (giống lúa, cây ăn trái, heo, bò, gà, các loại cá,…), vì vậy bộ máy hoạt động cồng kềnh, cán bộ kỹ thuật thiếu những người có trình độ chuyên sâu trên một số lĩnh vực nên SX thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, kinh phí thực hiện các chương trình phải bảo toàn vốn, trong SX và cung ứng thì không được cấp vốn lưu động. Trong cung ứng, các thủ tục thu chi đều phải theo luật Ngân sách và các quy định của ngành Tài chính nên hoạt động thiếu nhanh nhạy, thích ứng với thị trường chậm, nguồn vốn thiếu chủ động, tính cạnh tranh trong kinh doanh thấp.
Hiện nay công tác quản lý giống ngày càng chặt chẽ, bản quyền giống cũng được kinh doanh trong khi đó cơ chế chính sách nhà nước chưa đồng bộ, các giống lúa NS cao đều được bán bản quyền sử dụng như: OMCS 2000, OM 2514, OM 2517, OM 5451 (Cty CP Bảo vệ TV An Giang mua); OM 6600, OM 4488 (Cty CP Miền Nam mua); OM 5953 (Cty CPGiống CT miền Nam mua); số giống phổ biến khác như OM 4900, OM 6162,…Viện Lúa ĐBSCL sẽ thu tiền nhượng quyền sử dụng với giá khoảng 200 đồng/kg. Như vậy nếu kinh doanh đúng pháp luật, các đơn vị SX và cung ứng giống lúa như TTG đều phải mua bản quyền giống lúa hoặc nhượng quyền sử dụng để SX và cung ứng, điều này sẽ gián tiếp tăng giá thành giống làm nông dân ngán ngại sử dụng giống mới. Mặt khác trong công tác quản lý giống giữa TW và địa phương chưa phối hợp đồng bộ, chẳng hạn như giống OM 6976 là giống thích nghi rộng, cho NS rất cao, đã được SX đại trà trong hầu hết các tỉnh qua nhiều năm nhưng chưa được phép của Bộ Nông nghiệp, mặc dù được Hội đồng công nhận giống Quốc gia thông qua rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa có Quyết định công nhận gây ra tình trạng hầu hết các địa phương SX và cung ứng không hợp pháp, một số địa phương cấm sử dụng và phạt nặng (tịch thu,…).
Bên cạnh đó, theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định các đơn vị làm dịch vụ, sau khi làm nghĩa vụ thuế cho Nhà nước, phải trích 25% lợi nhuận sau thuế để lập quỹ phát triển sản xuất (PTSX), sau đó trả chi tăng thêm thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên trong mấy năm gần đây, Chính phủ ra Nghị định 28/2010/NĐ-CP, sau đó Nghị định 22/2011/NĐ-CP ngày 4/4/2011 quy định mức lương tối thiểu chung là 830.000đồng/tháng. Trong Điều 4 Nghị định này, quy định mức tăng lương đơn vị sự nghiệp phải trích 40% lợi nhuận để lập quỹ dự phòng tăng lương tối thiểu (TLTT) do Nhà nước quy định. Như vậy theo Nghị định 43, Điều 19 thì đơn vị phải trích 25 % cho quỹ PTSX, sau đó theo Điều 4, Nghị định 22, phải trích thêm 40 % tổng lợi nhuận lập quỹ dự phòng TLTT, tổng cộng 2 quỹ này đã chiếm 65 % lợi nhuận, còn lại chi tăng thu nhập cho người lao động chỉ được 35% tổng lợi nhuận, số tiền còn lại này rất thấp không khuyến khích người lao động trong đơn vị tích cực hoạt động dịch vụ.
Trong hoàn cảnh kinh doanh giống hiện nay, thị trường giống lúa tỉnh Kiên Giang ngày càng phát triển với sự tham gia kinh doanh của gần 20 Cty giống các nơi. Các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giống, họ chủ động nguồn vốn nhờ liên kết với các ngân hàng, cơ chế quản lý, hợp tác ăn chia thoáng, sử dụng người rất cơ động, sẵn sàng trả lương cao cho người giỏi nên cạnh tranh và thu hút chất xám rất mạnh. Hơn nữa, các đơn vị SX và KD có quy mô lớn thường có chính sách khuyến nông về giống, khuyến mại, hậu mãi ngày càng cao mà các TTG khó thực hiện được...nên khi cạnh tranh thường các doanh nghiệp ngoài Nhà nước luôn thắng thế.
Phương hướng nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống năm 2012
Để có thể hoàn thành nhiệm vụ năm 2012, trong điều kiện vượt qua những khó khăn đã nêu trên, tận dụng thời cơ trong SX nông nghiệp được ưu tiên của Nhà nước trong các năm tới, TTG cần có những chiến lược, sách lược SX và cung ứng hợp lý, bằng mọi cách giảm những khó khăn, khắc phục những tồn tại như đã nêu bên trên, về mặt chuyên môn, TTG cần tập trung các công tác chủ yếu như sau:
- Nghiên cứu các văn bản pháp lý hiện hành, những ưu đãi của Nhà nước về cơ chế chính sách đối với giống nông lâm ngư nghiệp, tranh thủ tận dụng các nguồn vốn TW, địa phương để phát huy tối đa tiềm năng SX của đơn vị; vạch ra chiến lược SX, chọn tạo và cung ứng giống giữa các lĩnh vực cây trồng và vật nuôi một cách hợp lý, có chính sách khuyến nông về giống, chính sách khuyến mại, hậu mãi trong điều kiện cho phép của những nguyên tắc tài chính, để có thể cạnh tranh được với các Cty giống khác. Mặt khác, cần cân đối nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hiện có để tạo ra những sản phẩm giống chất lượng cao, có tính cạnh tranh, có hàm lượng chất xám, có chi phí giảm,… từ đó thu hút nông dân gắn bó với đơn vị qua hiệu quả hợp tác các chương trình giữa TTG và nông dân.
- Về công tác triển khai thực hiện kế hoạch cần xác định các chương trình trọng điểm, từ đó tập trung chỉ đạo sâu sát, nâng cao chất lượng chương trình như: chương trình sản xuất và cung ứng giống lúa NC, XN; Chương trình ươm giống dừa dứa. Đây là các chương trình tạo nguồn thu nuôi bộ máy đơn vị. Bên cạnh đó để hỗ trợ nông dân SX hiệu quả, cần thực hiện tốt các chương trình nhân giống lúa, heo, bò, gà; Củng cố chương trình SX giống thủy sản. Trong quá trình SX, phải ý thức chất lượng giống là chỉ tiêu quan trọng, có tính sống còn của đơn vị, vì vậy phải tổ chức SX, kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng giống đúng quy định. Tập huấn kỹ thuật cũng được quan tâm đúng mức, trong tập huấn kỹ thuật phải đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, phải thực hiện nuôi trồng kết hợp liên hoàn trong sản xuất để tăng hiệu quả và tính cạnh tranh.
- Trong đơn vị cần quán triệt tinh thần làm theo lao động hưởng theo sự cống hiến lao động cụ thể, theo hiệu quả mang lại, khắc phục tình trạng phân phối bình quân, khuyến khích cán bộ, viên chức phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, mặt khác có chính sách đãi ngộ, thu hút những chuyên gia giỏi, những cán bộ kỹ thuật xuất sắc trong các lĩnh vực SX, kinh doanh giống cây trồng vật nuôi để phát triển đồng bộ giữa các lĩnh vực. Nâng cao cơ sở vật chất trong SX và cung ứng giống CT & VN để tăng chất lượng, giảm chí phí. Trong quản lý cần mở rộng các hình thức khoán sản phẩm hoặc khoán định mức kinh tế kỹ thuật, lập phương án trả lương theo đơn giá sản phẩm để cán bộ kỹ thuật phát huy tối đa tiềm năng và nguồn lực của bản thân.
- Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường để chọn tạo và nhân các giống cây trồng vật nuôi đúng nhu cầu thị trường, đa dạng hóa các chủng loại giống, trong cây lúa cần xác định và cân đối giữa các giống dài ngày có phẩm chất tốt NS cao với các giống ngắn ngày, NS cao nhưng phẩm chất gạo trung bình, quan tâm đến nguồn giống lúa phục vụ lúa vụ 3 (thu đông); Phát huy và nâng cao hiệu quả các sản phẩm giống khác ngoài giống lúa như giống dừa dứa, giống hoa cảnh, giống thủy sản, giống gà nòi,...mở rộng quan hệ với khách hàng trong ngoài tỉnh qua việc quảng bá trang web (http://giongkiengiang.com), tiếp xúc, chăm sóc khách hàng thường xuyên theo phương châm “thu hút khách hàng mới cung cấp dịch vụ mới cho khác hàng cũ”.