Bệnh có thể làm chết cây con ở giai đoạn vười ươm, kiến thiết cơ bản, gây thối gốc chảy mủ, thối rễ, thối trái, chết cành, chết cây khi cây trưởng thành.
Bệnh gây hại trên nhiều bộ phận của cây như rễ, thân, lá, cành, trái.
- Trên rễ: thường gặp ở những vùng đất thấp, ẩm ướt. Nấm bệnh tấn công rễ, làm rễ non chết dần rồi thối nâu đen, cây phát triển chậm, bộ lá chuyển màu vàng cây chậm phát triển và chết dần.
- Trên lá: ban đầu vết bệnh chỉ là những vết nhỏ nhũn nước, mất màu, sau lan rộng dần làm lá rụng sớm. Nếu nặng, lá sẽ bị rụng hàng loạt, cây có thể bị chết.
- Trên trái: ban đầu vết bệnh chỉ là những vết ẩm ướt, màu nâu đen, nếu ẩm độ cao, trên vết bệnh sẽ xuất hiện những sợi tơ nấm màu trắng, vỏ trái bị thối dần. Nếu nặng có thể làm cho thịt trái bị thối, trái bị rụng.
- Trên thân, cành: nấm bệnh thường tấn công ở phần gốc thân và những cành lớn. Chỗ bị bệnh chảy ra chất nhựa màu đỏ, vỏ cây và vùng gỗ phía dưới chuyển dần sang màu hồng lợt, có vân màu tím, viền gợn sóng, ướt đẫm nhựa cây. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh sẽ xâm nhập sâu vào phần mạch gỗ rồi lan rộng bao quanh hết phần gốc thân, làm rễ cây bị thối, lá bị rụng, cây có thể bị chết.
Để hạn chế tác hại của bệnh, phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách hợp lý trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, sau đây là một số biện pháp chính:
- Phải có hệ thống thoát nước tốt để vườn không bị đọng nước mỗi khi có mưa. Những vùng đất thấp phải lên liếp cao, nếu thấy chưa đủ phải đắp mô cao rồi trồng cây trên mô để tránh gốc cây bị ngập khi có mưa.
- Phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali, tăng cường phân hữu cơ hoai mục nhất là phân gà (có trộn thêm chế phẩm Trichoderma), phân hữu cơ vi sinh…
- Khi cây chưa giao tán, không nên trồng xen những loại rau màu cũng là ký chủ của nấm Phytophthora như cà tím, cà pháo, cà chua, ớt, bầu, bí, khoai sọ, cà rốt, súp lơ …
- Không trồng quá dày, thường xuyên tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành nhỏ, cành tăm, cành mọc bên trong tán, cành nằm sát mặt đất (với cây còn nhỏ), vệ sinh cỏ vườn… để vườn cây luôn khô ráo, thông thoáng.
- Cưa bỏ cành đã bị bệnh chết, thu gom lá và những trái bị bệnh đưa ra khỏi vườn tiêu hủy để hạn chế bệnh lây lan.
- Vào mùa mưa, cần thu gom sạch sẽ cỏ rác tủ xung quanh gốc, để vùng gốc luôn khô ráo.
- Những vườn đã bị bệnh cần giảm bớt hoặc ngưng bón đạm (nếu bệnh nặng), cho đến khi bệnh ngưng phát triển. Đồng thời bón bổ sung thêm lân, kali để tăng sức đề kháng cho cây.
- Không nên tưới quá đẫm nước vào vùng xung quanh gốc cây.
- Vào đầu mùa mưa, dùng vôi hòa với thuốc gốc đồng quét lên gốc thân (quét khoảng 1m từ mặt đất lên) để ngừa bệnh tấn công.
- Kiểm tra vườn cây thường xuyên (nhất là vào mùa mưa). Nếu phát hiện bệnh ở phần gốc thân hoặc cành lớn thì dùng dao sắc tách cạo bỏ hết vỏ chỗ bị bệnh đưa ra khỏi vườn tiêu hủy. Sau đó dùng 30 gram thuốc Mexyl-MZ-72WP pha trong 1 lít nước, rồi lấy chổi hay cọ sơn nhúng nước thuốc quét kỹ lên chỗ bị bệnh và vùng lân cận.
Nếu phát hiện có bệnh trên cành, trái, tán lá, có thể dùng Mexyl-MZ-72WP, pha 35ml/bình 8 lít (hoặc 60-70ml/bình 16 lít) phun ướr đều tán lá, cành nhánh cà cả thân cây (phun thật đẫm phần gốc thân).
(Nguồn: website nongnghiep.vn)