Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất cả nước với tổng diện tích 3.973.429 hecta. Dân số hiện có khoảng 17 triệu người, bằng 21% dân số cả nước. Đây là vùng có điều kiện đất đai, kỹ thuật, sản xuất lúa phát triển, thâm canh cao hơn so với các vùng khác trong cả nước. Tuy nhiên điều kiện sản xuất thâm canh tăng vụ cao (2-3 vụ/năm) đã tạo điều kiện tốt cho sâu bệnh bộc phát, lưu tồn và phát triển, làm giảm năng suất cho ruộng lúa ảnh hưởng đến phẩm chất gạo, do vậy lúa gạo Việt Nam vẫn chưa đạt chất lượng cao, không ổn định và chưa có sức cạnh tranh mạnh mang thương hiệu Việt trên thương trường quốc tế. Một trong những đối tượng quan trọng nhất tại ĐBSCL cần phải kịp thời phòng và trừ là rầy nâu. Rầy nâu không những gây hại trực tiếp mà còn là môi giới truyền virus gây thất thu năng suất rất lớn. Phòng trừ rầy nâu hiện nay được người sản xuất rất quan tâm, phần lớn các hộ sản xuất sử dụng thuốc hóa học là chủ yếu. Hiện nay phòng trừ bằng thuốc hóa học vẫn là biện pháp sau cùng của nhà nông, việc lạm dụng thuốc hóa học để phòng trừ dễ tạo điều kiện bộc phát rầy nâu gây mất cân bằng sinh thái, chi phí cao, ảnh hưởng sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường sống.
Sử dụng biện pháp sinh học phòng trừ rầy nâu hiện nay đang được ứng dụng mạnh mẽ ở các nước, đặc biệt là nông dân có thể tự nhân nuôi, phóng thích các loài thiên địch hữu ích, thay dần các lần phun thuốc hóa học, trong đó sử dụng nấm gây bệnh cho côn trùng là một nhân tố hữu dụng. Hai loài nấm ký sinh côn trùng (Metarhizium anisopliae và Beauveria bassiana) là đối tượng nghiên cứu và áp dụng trong các chương trình quản lý dịch hại cho nhiều cây trồng trên thế giới. Ở Việt Nam, nấm M. anisopliae và B. bassiana cũng đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công trong phòng trừ rầy nâu hại lúa, bọ xít, bọ cánh cứng hại dừa... . Tại ĐBSCL, nông dân một số tỉnh Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh…đã tham gia và ứng dụng thành công mô hình này, nông dân tự nuôi cây và sử dụng chủng nấm xanh Metarhizium anisopliae phòng trừ rầy nâu rất hiệu quả. Phương pháp thực hiện và sử dụng chế phẩm rất đơn giản, tiện lợi và dễ làm chỉ cần một số dụng cụ cần thiết: bọc nylon, co ống nước, gòn, băng keo, nồi nhôm và chất đốt dùng hấp môi trường nuôi cấy chế phẩm, nguồn nấm gốc là có thể tự nuôi cấy nấm
+ Phương pháp thực hiện: Chuẩn bị gạo ngâm nước trước 1 giờ, sau đó để ráo nước và chia gạo vào mỗi bọc nylon 500 gram. Tiến hành đem hấp thanh trùng trong 1 giờ 30 phút (tính từ lúc nước sôi). Sau khi hấp khử trùng, để các bọc môi trường cho nguội, sau đó cấy vào mỗi bọc nylon 1/6 đĩa petri nấm nguồn. Trong quá trình thực hiện phải chú ý các thao tác khử trùng tay và tủ cấy bằng cồn. Mỗi ngày lắc môi trường ít nhất một lần để tạo sự thông thoáng cho nấm dễ phát triển. Sau khi cấy nấm khoảng 10 đến 14 ngày thì mật số bào tử đạt từ 4,6 đến 11,7 x 108 bào tử/g chế phẩm, với lượng bào tử trên có thể đem sử dụng.
+ Phương pháp sử dụng chế phẩm: Sau khi cấy nấm, quan sát vài ngày sau thấy hạt gạo nhỏ dần và có nấm xanh bao phủ hết hạt gạo (khoảng 10-14 ngày) thì đem phun chế phẩm trên đồng ruộng.
+ Thời điểm và cách phun: Khi thấy rầy cám tuổi 1-2 xuất hiện, mật số rầy 2-5 con/tép thì tiến hành phun xịt. Phun chậm và kỹ dưới gốc lúa, phun vào lúc buổi chiều mát hoặc sẫm tối, có sương càng tốt sẽ giúp nấm phát triển. Nếu phun gặp mưa khi chưa được 24 giờ thì phải phun lại
+ Liều lượng sử dụng: 5 bọc/ha (bọc 0,5 kg), mỗi bọc pha cho 4 bình 16 lít (2 bình/1.000 m2) hòa chế phẩm trong nước qua vải lược, khi cho chế phẩm vào bình pha thêm 5cc chất bám dính giúp bào tử nấm bám tốt trên cơ thể côn trùng. Phải rửa sạch bình trước khi phun chế phẩm, không hòa chế phẩm với các thuốc trừ nấm bệnh trên lúa…
Với hiệu lực bền lâu và kéo dài hàng tháng sau khi phun, nên trong một vụ lúa, nếu bị rầy nâu, bọ xít phá hoại chỉ cần phun một trong hai chế phẩm 1-2 lần là đủ, chi phí chỉ tốn khoảng 200.000 đ/ha/ 1 lần phun thấp hơn 2-3 lần so với chi phí sử dụng thuốc hóa học, không gây ảnh hưởng xấu đến thiên địch sâu hại, con người, gia súc và môi trường. Qua đó giúp nhà nông thay đổi tập quán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sinh vật hại, cân bằng sinh thái, bảo vệ sức khỏe con người và giảm ô nhiễm môi trường./.