Cây
hồ tiêu (Piper nigrum) thuộc họ
Piperaceae, có nguồn gốc từ bang Tây Ghats, Ấn Độ (Sasikumar và ctv., 1999). Cây hồ tiêu là một loại cây dây leo lâu năm, thân dài, nhẵn
không mang lông, bám vào các cây khác bằng rễ, thân mọc cuốn, mang lá mọc cách,
lá như lá trầu
không, nhưng dài và thon hơn được trồng chủ yếu để lấy hạt, thường dùng làm gia vị
dưới dạng khô hoặc tươi. Hạt tiêu thơm, cay nồng và vị cay chủ yếu là do sự có
mặt của một hợp chất piperine - là một alkaloid cay (Tripathi và ctv., 1996) giúp kích thích tiêu hoá, có tác dụng chữa một
số bệnh. Hạt tiêu cũng có tác
dụng của cây dược liệu (Khajuria và ctv.,
2002) cũng rất giàu chất chống oxy hóa, chẳng hạn
như beta carotene, giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa sự hủy hoại các tế
bào, gây ra các căn bệnh ung thư và tim mạch. Ngoài ra hạt tiêu cũng
chứa một lượng nhỏ safrol, pinene, sabinen, limonen, caryophyllene và hợp chất
linaonol.
Nước
ta có mùa mưa rất tập trung và mùa nắng kéo dài nên sẽ tạo điều kiện thuận lợi
cho sâu bệnh phát triển dẫn đến giảm năng suất sản lượng và chất lượng cây hồ tiêu.
Bên cạnh các loại sâu hại (rầy, rệp sáp, tuyến trùng…) còn có cả virus có thể ẩn
bên trong thân gây bệnh tiêu điên, thối rễ, rụng đốt. Các phương pháp nhân giống
truyền thống kiểu giâm, chiết, ghép cành cho hệ số nhân giống thấp và cây giống
khi đem trồng có thể mang theo mầm bệnh thông qua các thao tác nhân giống này, hơn
nữa tuổi cây mẹ thích hợp để nhân giống tốt không quá 2 năm
trong khi đó thời gian sinh trưởng của cây tiêu khá dài hơn 10 năm; riêng đối với nhân giống
bằng hạt thường dẫn đến sự biến đổi di truyền do sự hình thành các tái tổ hợp (Atal & Banga, 1962). Chính vì vậy, hiện nay phương pháp nhân giống in-vitro cây hồ tiêu thực sự cần thiết do
hệ số nhân giống cao đồng thời sẽ làm giảm được tác nhân gây hại cho cây giống vì
nguồn mẫu nuôi cấy là đỉnh chồi, đỉnh sinh trưởng đảm bảo sạch bệnh virus, ổn định
về mặt di truyền, đồng nhất ở các thế hệ tiếp theo quanh năm. Hiện nay trên thế giới và trong nước các nhà khoa học đã và
đang tiến hành
nghiên cứu về phương pháp nhân giống in-vitro
cây hồ tiêu để tạo ra nguồn giống cây tiêu có chất lượng cao, sạch bệnh và đồng
nhất.
Theo Nirmal Babu và ctv. (1993), các nhà khoa học đã
nghiên cứu sự tái sinh cây hồ tiêu từ nuôi cấy mô sẹo đã được hệ thống hóa mô sẹo
phát triển thành lá và chồi để tái sinh cây tiêu mới. Kết quả là cây mới được
tái sinh trực tiếp từ mô lá thông qua giai đoạn mô sẹo, các mô sẹo này vừa hình
thành đã được chọn để tiến hành tái sinh cây xanh, không nên chọn mô sẹo quá tuổi
và hạn chế cấy chuyền nhiều lần nhằm tránh tình trạng không ổn định về mặt di
truyền; Ở Pakistan năm 2011, các nhà khoa học đã nghiên cứu xây dựng thành công đề cương nhân giống in-vitro cây hồ tiêu, mẫu cấy là đỉnh chồi
từ cây tiêu mẹ khỏe, sạch bệnh cấy vào môi trường MS có bổ sung chất điều hòa
sinh trưởng. Kết quả cho thấy mô sẹo phát triển tốt trên môi trường MS bổ sung
1,5 mg/l BA với mô lấy từ đỉnh chồi. Chồi tái sinh tốt nhất trên môi trường MS bổ
sung 0,5 mg/l BA. Cây non hình thành ra rễ tốt nhất trên môi trường 1,5 mg/l
IBA. Cây con ra rễ được cấy trong môi trường đất và được cho thích nghi trong nhà
lưới.
Ở Việt Nam, bước đầu nghiên cứu nhân giống in-vitro một số giống cây hồ tiêu sạch virus do Đỗ Đăng Giáp, Thái Xuân Du và Đoàn Thị
Ái Thuyền (2005)
thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới thực hiện. Kết quả là đốt gốc
mẫu tạo mô sẹo và chồi tốt nhất so với đốt giữa và đốt ngọn. Môi trường MS bổ
sung nồng độ BA lớn hơn 5mg/l sẽ ức chế sự tạo chồi. Môi trường MS bổ sung nồng
độ BA 3mg/l chồi sẽ phát triển tốt và môi trường MS ½ bổ sung than hoạt tính
1mg/l là thích hợp để ra rễ ở cây hồ tiêu.
Kiên
Giang là tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2017, diện tích khoảng 920 ha, tập trung chủ yếu ở Phú Quốc, ngoài ra còn
có diện tích nhỏ ở Kiên Lương, Hà Tiên, Giồng Riềng, Gò Quao và Kiên Hải. Tiêu
Hà Tiên và Phú Quốc là hai giống chủ lực chiếm 80-90%, chủ
yếu là người dân tự nhân giống bằng phương pháp truyền thống, chưa
có cơ sở chuyên bán cây tiêu giống, nhân giống bằng phương
pháp truyền thống chất lượng tiêu cũng không đảm bảo, không đồng bộ. Các giống
tiêu đang bị thoái hóa, mất dần khả năng kháng bệnh, dẫn đến giảm chất lượng và năng suất. Do đó, để việc cung cấp cây hồ
tiêu giống đạt chất lượng cao không mầm bệnh, ổn định về mặt di truyền, đồng nhất
ở các thế hệ tiếp theo quanh năm thì việc ứng dụng nhân giống
in-vitro cần được nghiên cứu, xây dựng và tối ưu hóa quy trình nhằm sản xuất
ra các cây giống đáp ứng nhu cầu của tỉnh Kiên Giang nói riêng và cả nước nói
chung.