Việc tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh
học cao để làm thuốc là một xu thế đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cả
các nhà khoa học và các công ty dược phẩm. Trong khoảng 40 - 50 năm trở lại
đây, nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã cho thấy nhiều kết quả
đáng chú ý về tác dụng tăng lực, bồi bổ cơ thể của nhiều cây cùng họ với cây
nhân sâm. Một số cây trong họ này cho những vị thuốc bổ nổi tiếng và được dùng
từ lâu đời trong nhân dân ta như Nhân sâm, Ngũ gia bì, Tam thất, Đinh lăng,
v.v.có tác dụng như nhiều cây trong cùng họ (Trần Hùng, 2003).
Đinh lăng (PolysciasfruticosaL.Harms)
là cây sống nhiều năm, ưa ẩm, ưa sáng, có khả năng chịu hạn, chịu nóng nhưng không
chịu ngập úng; sinh trưởng và phát triển trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất là đất
pha cát và trồng được quanh năm. Thời vụ trồng tốt nhất là mùa xuân. Cây ra hoa
từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm (Phạm Hoàng Hộ, 2003). Đinh lăng có tác dụng
hồi phục sức khỏe, chống stress, tăng khả năng chịu đựng của cơ thể, giảm rối loạn
tiền đình, phòng chống nhiễm ký sinh trùng sốt rét, bức xạ siêu cao. Đinh lăng còn
có tác dụng kháng viêm, giảm đau, chống xơ vữa động mạch dựa trên tác dụng hạ cholesterol
toàn phần và lipid toàn phần trong huyết thanh (Nguyễn Thị Thu Hương và cs.,
2001).
Trong Đinh lăng có 2 hợp chất chính và quan trọng là polyacetylen và
saponin(Vo et al., 1998). Hợp chất saponin, đặc biệt là triterpen có tác dụng
tích cực chống oxy hóa, chống stress và các triệu chứng trầm cảm. Hợp chất
polyacetylen có vai trò chống ung thư, chống oxy hóa, kháng khuẩn và kháng nấm.
Trong đó, hai hợp chất polyacetylen panaxynol và hepadeca 1,8 (e) - dien - 4,6
diyn - 3,10 diol trong cây Đinh lăng cũng có chủ yếu trong nhân sâm, điều này
cho thấy có khả năng sử dụng Đinh lăng để thay thế cho nhân sâm (Nguyễn Trần
Châu và cs., 2007). Hiện nay, nhu cầu về các hợp chất này ở dược phẩm đang tăng
cao. Trong khi đó, một trong các nguyên nhân khiến cho các chế phẩm chứa Đinh
lăng còn khá ít trên thị trường là do nguồn nguyên liệu còn khá hạn chế, nguồn
cung cấp cây giống chủ yếu là giâm cành, chất lượng cây giống lại không cao, nếu
trồng theo phương pháp tự nhiên thì mất 3-5 năm mới thu hoạch rễ và hàm lượng
saponin triterpen tự nhiên trong cây không đủ đáp ứng nhu cầu về dược liệu.
Việc đáp ứng nhanh và bền vững nguồn cây giống có chất lượng tốt đang là yêu
cầu cấp bách.
Để đáp ứng những nhu cầu thực tế trên, một phương pháp nhân giống khác
đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đó là phương pháp
nhân giống in vitro, đây là phương
pháp có nhiều ưu điểm nổi trội như:
- Hệ số nhân giống cao, từ một cây Đinh lăng ban đầu trong vòng một năm
có thể tạo thành hàng ngàn cây con, giúp được sự chủ động
trong việc tạo nguồn nguyên liệu Đinh lăng ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất
các chế phẩm chứa Đinh lăng ở quy mô lớn.
- Tính đồng nhất và ổn định di truyền cao, mặc dù nuôi cấy trong khoảng
thời gian khá ngắn (toàn bộ quy trình từ vô mẫu đến tạo cây con thích nghi
ngoài vườn ươm mất khoảng 8-9 tháng), nhưng các sản phẩm dược lý chiết xuất từ
rễ cây Đinh lăng vẫn thể hiện tác dụng tăng lực, chống stress và kháng viêm
thực nghiệm tương tự như cây Đinh lăng 5 năm tuổi (Nguyễn Trần Châu và cs.,
2007).
- Nâng cao chất lượng giống, do việc nhân giống bằng phương pháp in vitro giúp hạn chế được sự nhiễm của các nguồn vi khuẩn,
virus, nấm bệnh trên cây con tạo ra; vì có thể chủ động tạo nguồn mẫu từ cây
đầu dòng sạch bệnh, môi trường nuôi cấy được chuẩn hóa và kiểm soát chặt chẽ.
Do đó, nhằm phục vụ cho việc cung cấp nguồn cây giống Đinh lăng phong
phú và ổn định, việc ứng dụng phương pháp nhân giống in vitro trên đối tượng cây Đinh lăng, một trong những cây dược
liệu có giá trị kinh tế cao, là một hướng đi tương đối mới, cho nhiều tiềm năng
kinh tế. Bên cạnh đó, việc xây dựng thành công quy trình nhân nhanh cây Đinh lăng
có hàm lượng saponin cao bằng phương pháp in
vitro cho hệ số nhân chồi cao, chất lượng cây con tốt còn là tiền đề cho
những nghiên cứu sâu hơn trên cây Đinh lăng và một số cây dược liệu khác. Đồng
thời có thể ứng dụng nhân nhanh cây Đinh lăng để sản xuất đại trà và sử dụng cây
Đinh lăng in vitro để làm nguồn cung
cấp dược liệu ban đầu.