1. Trước khi ra hoa 25 - 30 ngày: bón phân bổ sung dinh dưỡng để giúp cây đủ sức khỏe
nuôi cây, nuôi hoa. Thời gian bón phân phụ thuộc vào thời tiết và tình hình
sinh trưởng của cây, nếu thấy lá có màu xanh sẫm, quá mướt thì nên giảm lượng
đạm để giúp cây cân bằng. Lưu ý trong giai đoạn này cần bổ sung thêm các vi
lượng cần thiết cho cây như Bo, Zn, Mg, Mn,... giúp cây phát triển tốt. Để giúp
cây ra hoa tốt, tiến hành tạo khô hạn khi thấy các lá ngọn đã già, thành thục
(tạo hạn liên tục từ 7 - 14 ngày) và sử dụng Paclobutrazol phun đều 2 mặt lá
(liều lượng 50 - 100g/8 lít nước) hoặc tưới quanh gốc (liều lượng 8 -10g/ 1m
đường kính tán cây) để cây ra hoa tập trung và đồng loạt. Sau khi xử lý tạo hạn
và và phun Paclobutrazol khoảng 20 - 30 ngày thì cây sẽ ra hoa (tùy theo
giống).
2.
Khi cây đã phân hóa mầm hoa: khi lá
ngọn cây đã già, các mầm ngủ ở nách lá khô, rụng và các gối hoa đã hình thành
(lớn cỡ đầu ngón tay) thì có thể tưới nước trở lại. Tùy theo điều kiện của từng
vườn mà có chế độ nước tưới phù hợp, ít nhất là 2 - 3 ngày tưới một lần.
3.
Khi hoa 3 - 4 tuần tuổi: Tỉa bớt hoa
trên cây, chỉ chừa lại các chùm hoa ở xa nhau, phân bố đều trên cành. Tỉa bỏ
những phát hoa ở cành cấp 3, cành ngọn,... để cây tập trung dinh dưỡng nuôi các
hoa còn lại. Tiếp tục tưới nước bình thường, ít nhất là 2 - 3 ngày tưới một lần
cho đến trước khi hoa nở 1 tuần, ngưng tưới nước để đảm bảo sức sống của hạt
phấn.
4.
Khi hoa nở: tiến hành thụ phấn bổ
sung để làm tăng tỉ lệ đậu trái, có thể chọn được trái ở vị trí thích hợp trên
cành, trái phát triển đầy đủ, tròn, bán cao giá hơn trái thụ phấn tự nhiên. Khi
hoa nở (khoảng 20 - 22 giờ), dùng cọ lông mềm hoặc chổi lông gà quét vào bao
phấn và dùng cọ này quét lên nuốm nhụy của hoa cần thụ phấn ở những vị trí phù
hợp để giúp hoa thụ phấn tốt.
Sau khi đậu trái, trái sầu riêng phát triển
qua ba thời kỳ: Trái phát triển chậm trong 4 tuần đầu, phát triển nhanh từ tuần
thứ 5 - 11 sau đó phát triển chậm đến tuần thứ 14 và ngừng phát triển đến khi
thu hoạch. Trong giai đoạn này, cần chăm sóc cây theo các biện pháp sau để giảm
tỷ lệ rụng trái, nâng cao năng suất:
5.
Sau khi đậu trái 7 ngày: Phun NAA nồng độ 20 - 80ppm và phân bón lá như
15-30-15 (liều lượng 5 - 10g/8 lít nước) để bổ sung dinh dưỡng nuôi trái, hạn
chế sự rụng trái non. Tưới nước trở lại, lưu ý tưới lượng nước tăng dần đều,
không tưới tập trung 1 lần dễ gây stress làm rụng trái.
6.
Sau khi đậu trái 4 tuần: tiến hành bón phân nuôi trái với tỷ lệ 1:3:1 để
cung cấp dinh dưỡng, giúp trái phát triển tròn đều, đạt phẩm chất cao. Giai
đoạn này được chia làm 3 lần bón, mỗi lần cách nhau 20 - 30 ngày để đảm bảo cây
được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong suốt quá trình nuôi trái. Khi bón phân
nên lưu ý, sử dụng các loại phân có chứa Clo gây ra hiện tượng sượng cơm trái,
làm giảm phẩm chất của trái sầu riêng. Cần tìm hiểu và sử dụng các loại phân
đơn hoặc phân hỗn hợp không chứa Clo để đảm bảo phẩm chất trái. Kết hợp phun
GA3 ở nồng độ 5 - 10ppm ở thời điểm trái 3 - 6 tuần tuổi để ngăn chặn sự hình
thành tầng rời, hạn chế sự rụng trái non, giúp cho cuống trái to và giúp cho
trái phát triển nhanh hơn. Trong giai đoạn này, duy trì chế độ nước tưới đều
đặn để cung cấp đủ nước, giúp trái phát triển.
7.
Khi trái được 4 - 6 tuần tuổi: thực hiện tỉa trái 2 - 3 lần, công việc tỉa
trái nhằm lựa chọn những trái ở những vị trí thích hợp, trái to, phát triển
đồng đều, không bị sâu bệnh gây hại. Không nên để trái ở những cành có kích
thước nhỏ, khả năng nuôi trái kém và có thể làm chết cành. Chừa lại 1 - 2
trái/chùm, tùy theo giống, tuổi cây, khả năng nuôi trái của thân, cành để lại
mà chừa số lượng trái phù hợp, để trái quá nhiều dễ làm cho cây sầu riêng bị
khô và chết cành hoặc có thể làm chết cả cây. Duy trì chế độ tưới nước đều đặn,
đảm bảo cung cấp đủ nước để trái phát triển.
8. Trong giai đoạn trái được 3 - 6 tuần tuổi: Thời điểm này cây dễ ra lá non, việc này gây ra sự
rụng trái non do cạnh tranh dinh dưỡng. Để khắc phục, có thể xử lý KNO3
với nồng độ 70 - 100g/10 lít nước hoặc phân bón lá MKP (0-52-34) ở nồng độ 0,5
- 1,0%, lặp lại sau 7 - 10 ngày trong giai đoạn từ 3 - 12 tuần sau khi đậu trái
sẽ giúp cây chậm ra lá. Lưu ý, KNO3 khi sử dụng có thể làm cháy lá
do sử dụng nồng độ cao, do đó nên sử dụng theo đúng liều lượng khuyến cáo và
chỉ phun vào sáng sớm hoặc chiều mát. Duy trì chế độ tưới nước đều đặn cho đến
thời điểm trước khi thu hoạch 1 tháng.
9.
Một tháng trước khi thu hoạch: khi trái đã tương đối hoàn chỉnh, bón thêm
Kali (K2SO4) để nâng cao phẩm chất trái với liều lượng từ
1 - 2kg tùy theo độ tuổi và năng suất của cây. Giai đoạn này cần giảm dần số
lần tưới và ngưng hẳn trước khi thu hoạch 2 - 3 tuần để trái không bị sũng
nước, nâng cao chất lượng trái.
- Lưu ý, trong thời gian này bệnh
thán thư và sâu đục thân trên sầu riêng phát triển rất mạnh do điều kiện thời
tiết, cần phun thường xuyên kiểm tra vườn và phun thuốc phòng trừ kịp thời, bảo
vệ bộ lá của cây, giúp cây nuôi trái tốt. Kết hợp chế độ tưới nước đều đặn (có
thể tưới ướt cả cành, lá) để nâng cao ẩm độ trên vườn, đều này giúp hạn chế
bệnh thán thư gây hại, giúp tiết kiệm chi phí.